Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 3108
  • Trong tuần: 8836
  • Tất cả: 1877028
Hành trình trở thành Trưởng khoa Đại học Kinh tế Nam London của cô gái dân tộc Tày
Từ một cô bé nhà nghèo ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, với ý chí và bản lĩnh phi thường, cô gái dân tộc Tày Lương Ngân đã trở thành Giám đốc khoa trẻ nhất của Trường Đại học Kinh tế Nam London, Vương quốc Anh (London South Bank University).

Tiến sĩ Lương Ngân tại giảng đường Trường Đại học Kinh tế Nam LondonTiến sĩ Lương Ngân tại giảng đường Trường Đại học Kinh tế Nam London

Từ một cô bé nhà nghèo ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, với ý chí và bản lĩnh phi thường, cô gái dân tộc Tày Lương Ngân đã trở thành Giám đốc khoa trẻ nhất của Trường Đại học Kinh tế Nam London, Vương quốc Anh (London South Bank University).
 

Xây ước mơ từ những câu chuyện cổ tích

Sinh năm 1986 tại bản Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông - huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng, từ nhỏ, Ngân cùng các bạn trong bản vượt đường rừng heo hút đến trường học dưới chân núi. Lớp học làm bằng mái tranh, vách đất, bàn ghế làm bằng tre, nứa đóng tạm.

Điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên hơn 20 học sinh trong lớp khi mùa đông áo không đủ ấm, mùa hè mưa to dột xuống mái tranh. Các bạn nhỏ nơi đây chưa ai biết đến ánh sáng của bóng điện, tivi, xe đạp.

Hàng đêm, Ngân thắp đèn dầu đọc bài và đọc truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ Grimm, truyện cổ Andersen... Mỗi lần đi học về nhìn lên những dãy núi cao, Ngân tự hỏi có thế giới nào bên ngoài kia không? Lớn lên mình sẽ làm gì thay đổi cuộc sống nơi đây? Những quyển sách đã đọc được viết ra từ đâu?

Thấy con thông minh, chăm học nên đến năm lớp 3, mẹ quyết định xin chuyển ra thị xã Cao Bằng học khi Ngân còn chưa nói sõi tiếng phổ thông.

Xa nhà, xa bố mẹ, Ngân đã rèn luyện tính tự lập, đạt nhiều thành tích trong học tập. Dù là học sinh giỏi Văn nhưng năm cấp 3, Ngân chuyển hướng thi vào khối chuyên Lý, Trường THPT chuyên tỉnh Cao Bằng và 3 năm học liền đều đạt học sinh giỏi.

Năm 2005, Ngân thi đỗ Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ. Học 4 năm tại Trường Đại học Ngoại thương, có trên 80% môn học sử dụng tiếng Anh mà khi mới vào trường, vốn tiếng Anh của Ngân chỉ đạt mức khá. Với niềm đam mê, nỗ lực tự học, vốn tiếng Anh của Ngân nhanh chóng nâng lên và đây là chìa khóa tìm kiếm cơ hội du học.

Năm 2009, tốt nghiệp đại học, Ngân ấp ủ ước mơ du học với vô vàn khó khăn phía trước. Ngân đi làm thêm, trải nghiệm, tìm hiểu chuyên ngành phát triển du lịch trong nước và quốc tế qua mạng xã hội.

Được bố mẹ động viên, năm 2011, Ngân thi tuyển học thạc sĩ tại Trường Đại học Strathelyde, Vương quốc Anh (University Strathelyde), và làm luận văn với đề tài “Sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hành vi tiêu dùng khách hàng”.

Du học tại Anh, nơi có giá sinh hoạt và học phí rất cao, gia đình không đủ điều kiện hỗ trợ. Áp lực chồng chất lên đôi vai bé nhỏ của Ngân trên đất nước xa lạ. Không nản, Ngân liên hệ với các cựu sinh viên du học để tìm hiểu việc làm thêm theo giờ, làm trợ lý, nhân viên cửa hàng, rồi làm phiên dịch.

Thời gian đầu tìm việc làm chưa ổn định, thu nhập eo hẹp, chi phí cao, có lúc Ngân như muốn gục ngã. Ngày lễ, Tết nhớ nhà đến nao lòng mà không có điều kiện về. Những thời điểm khó khăn, nhận được đặc sản quê hương do bố mẹ gửi sang và lời an ủi, động viên để cô thêm động lực, cố gắng vượt lên.

Thắp sáng ngọn lửa đam mê khám phá tri thức

Trên cơ sở kết quả đào tạo thạc sĩ, Ngân thi đỗ nghiên cứu sinh tại Đại học Birmingham (University of Birmingham) và triển khai luận án nghiên cứu “Liên kết những cách tiếp cận nghiên cứu đa chiều trong lĩnh vực marketing khởi nghiệp - những minh chứng rõ rệt từ ngành quản lý khách sạn tư nhân Việt Nam”.

Tiếp sau đó 4 năm, Ngân vừa đi làm thêm vừa tập trung nghiên cứu một lĩnh vực mới về khởi nghiệp từ các nước phát triển và đang phát triển.

Luận án được nhà trường yêu cầu rất cao vì phải chỉ ra tính mới và áp dụng khả thi trong thực tiễn xã hội. Có không nhiều nghiên cứu sinh thực hiện thành công đề tài này nên áp lực với Ngân là rất lớn.

Với ý chí, nghị lực vượt khó, Ngân nỗ lực tìm tòi và tận dụng lợi thế công việc phiên dịch cho các tổ chức về luật, tập đoàn kinh doanh khách sạn để mở rộng quan hệ, hiểu biết xã hội phục vụ cho nghiên cứu.

Luận án của Ngân đưa ra nhiều vấn đề mới, thu hút nhiều học giả một số trường đại học quan tâm. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, Ngân được mời tham gia trợ giảng tại London South Bank University. Vừa giảng dạy vừa đi làm thêm cho Ngân kiến thức rộng về xã hội, hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực cô nghiên cứu.

Năm 2017, Ngân bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ trước hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực này. Luận án của cô làm rõ tính tổng quan về marketing khởi nghiệp, ứng dụng thực tiễn chỉ ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần có cái nhìn sâu rộng về tổng quát môi trường kinh doanh tùy thuộc vào từng khu vực, mỗi địa bàn sẽ có môi trường kinh doanh khác nhau.

Ngân hoàn thành luận án tiến sĩ ngay sau khi xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng cử viên khác, được Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của Trường Đại học Kinh tế Nam London, là trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy hàng đầu tại Vương quốc Anh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân được Hội đồng nhà trường đề bạt đảm nhiệm Giám đốc quản lý Khoa Cao học Marketing.

Đầu năm 2019, Ngân trở về Cao Bằng 2 tuần, cô bố trí kín lịch làm việc với tỉnh. Ngân đã biên soạn và lên lớp 2 buổi/ngày tập huấn khởi nghiệp cho nông dân, giao lưu với doanh nghiệp trẻ về lĩnh vực du lịch, tham gia nghiệm thu đề tài “Phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh”.

Chưa dừng ở đó, cô còn trực tiếp giảng dạy tiếng Anh nâng cao cho học sinh. Qua đó, Ngân muốn thắp lên ngọn lửa đam mê khám phá tri thức, chinh phục những đỉnh cao cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số trên quê hương nơi cô đã sinh ra và lớn lên.

Theo Vân Anh
Báo Giáo dục & Thời đại